Thi công trần thạch cao thả như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ trình bày chi tiết quy trình thi công hoàn thiện hệ trần thả thạch cao, đây sẽ là nội dung hữu ích dành cho các thợ thạch cao mới vào nghề cần học hỏi kinh nghiệm, kiến thức thi công thi công. Hoặc bạn là chủ nhà, chủ đầu tư, bạn cũng nên tham khảo quy trình dưới đây để dễ dàng giá sát và theo dõi kỹ thuật thi công của đội thợ, nhằm đảm bảo chất lượng công trình hiệu quả, bền đẹp hơn.
Mục Lục Bài Viết
Trần thạch cao thả là gì?
Trần thạch cao thả còn được gọi là trần thạch cao khung xương nổi, là loại trần nhà giả được lắp đặt phía dưới trần bê tông, được cấu tạo từ các thanh xương kim loại (được gọi là thanh xương T) và các tấm thả 60×60 chất liệu thạch cao.
Trần thạch cao thả có đặc điểm dễ nhận biết và để dễ dàng phân biệt với hệ trần chìm là phần khung xương màu trắng nổi trên bề mặt trần, tạo thành từng ô vuông 60cmx60cm hoặc ô hình chữ nhật 60cmx120cm. Khoảng trống không gian bên trong các ô đó là phần còn lại để thả các tấm thạch cao với kích thước tấm tương ứng với kích thước khổ ô.
Để hiểu chi tiết hơn về các đặc điểm trần thả click tại đây
Hướng dẫn từng bước thi công trần thạch cao thả
Trần thả thạch cao có cấu trúc đơn giản và dễ thi công. Tuy nhiên, để đảm bảo sự chính xác và chắc chắn trong kết cấu trần, quá trình thi công cần tuân thủ đúng kỹ thuật với các bước làm sau:
Bước 1: Xác định cao độ trần
Cao độ trần là khoảng cách tính từ mặt sàn nhà đến mặt trần thạch cao. Cao độ trần được lấy theo yêu cầu của chủ nhà, chủ đầu tư hoặc theo bản vẽ thiết kế. Lưu ý: Cao độ trần phải thấp hơn khoảng cách từ sàn tới mái nhà thức ít nhất là 5cm.
Dùng thước đây để đo chính xác cao độ trần, sau đó đánh dấu một vài điểm trên tường nhà. Sử dụng máy laser nhiều tia để chiếu điểm cao độ trên các bức tường nhà, để thuận tiện và dễ dàng cho việc đóng V tường.
Lưu ý: Đối với trường hợp nền nhà dốc, không phẳng. Nếu bạn là thợ thi công thì cần trao đổi lại với chủ nhà để chọn một trong hai phương án là làm mặt trần dốc theo sàn hoặc chọn làm mặt trần phẳng để xác định điểm cao độ trần trên tường cho phù hợp.
Bước 2: Cố định thanh viền tường
Với cao độ được xác định bằng thước dây và máy laser,trong bước 1, thì bước tiếp theo bạn dùng búa và đinh bê tông để đóng trực tiếp thanh V viền tường cố định vào tường và cột nhà (nếu có). Chú ý khoảng cách giữa hai điểm đinh gần nhau dao động từ 50cm – 60cm.
Bước 3: Xác định khoảng cách các điểm treo khung xương
Dùng bút lông để đánh dấu các điểm treo ty trên trần bê tông, sau đó dùng máy khoan bê tông để khoan trực tiếp lên các điểm đã đánh dấu đó (khoảng cách xác định các điểm treo thông thường là 1,2m).
Tính tính khoảng cách giữa trần bê tông và trần thạch cao để cắt ty treo có độ dài phù hợp. Sau đó, gắn các đầu ty ren hoặc dây thép đã cắt và đầu các điểm khoan. Sử dụng các vật tư phụ như nở đạn, bulong, tăng đơ để liên kết ty treo với trần và giúp dễ dàng điều chỉnh độ dài theo treo cho phù hợp.
Bước 4: Treo thanh chính và liên kết các thanh phụ
Sau khi đã treo ty, tiến hành treo khung xương chính là thanh T3660 vào đầu các ty treo, dùng thước dây hoặc máy laser để cân chỉnh độ cao của thanh xương cho chính xác. Các thanh xương chính được lắp đặt song song với nhau tạo thành các đường thẳng song song, khoảng cách giữa hai thanh xương liền nhau là 1.2m
Lắp đặt xong thanh xương chính thì tiến hành lắp thanh xương phụ T1220, thanh xương T1220 được cài vào giữa hai thanh xương chính để tạo thành các ô hình chữ nhật kích thước 60x120cm. Sau đó, tiên hành cài thanh xương T610 vào giữa hai thanh T1220 để tạo thành các hình ô vuông nhỏ hơn 60×60.
Quá trình lắp đặt khung xương cần phải được kiểm tra liên tục cao độ trần ở nhiều điểm. Để đảm bảo mặt phẳng trần thạch cao là đồng nhất. Chú ý cài chắc chắn các đầu thanh vào với nhau để tránh tình trạng rơi rớt khung xương.
Bước 5: Thả tấm thạch cao
Thả tấm là thao tác cuối cùng để hoàn thiện quá trình thi công trần thạch cao thả. Với trần thả nổi, bước thả tấm là thao tác đơn giản nhất và nhanh chóng nhất. Công việc chỉ cần đưa tấm lên và đặt vào vị trí mà các khung xương đã chia sẵn. Đối với các tấm thạch cao ở vị trí cạnh tường, cần dùng thước dây để đo chính xác kích thước các đầu ô tường rồi dùng dao rọc giấy để cắt tấm theo đúng kích thước ô, sau đó thả tấm vào phần cạnh tường còn lại.
Trần thạch cao thả hoàn thiện ngay sau quá trình thả tấm mà không cần sơn bả như với hệ trần chìm. Sau khi hoàn thiện thả tấm, cần kiểm tra lại cao độ trần một lần nữa để đảm bảo mặt trần bằng phẳng, chắc chắn và tiến hành dọn dẹp, vệ sinh mặt bằng trước khi bàn giao.
Kỹ thuật thi công trần thạch cao thả đơn giản, nhanh chóng, cộng thêm các ưu điểm về thẩm mỹ (tinh tế, thanh lịch), chống nóng, chống ồn và nhất là giá trần thạch cao thả rẻ nên chúng trở thành sự lựa chọn hàng đầu trong các công trình công cộng, thương mại, các cơ sở giáo dục, y tế, nhà xưởng… hiện nay.