Màu sơn tường cũ nhà bạn đang dần trở nên xấu xí, thiếu sức sống và bạn muốn thay đổi nó trở nên tươi sáng hơn, rực rỡ hơn, mang nguồn sức sống tươi mới cho ngôi nhà của mình. Việc tự tay thực hiện công việc sơn lại nhà sẽ trở nên tuyệt vời hơn bao giờ hết và bạn cũng đừng quá lo lắng về việc này nếu bạn không làm trong lĩnh vực sơn sửa nhà. Bài viết này này dành cho những ai không chuyên, không có kinh nghiệm vẫn có thể tự tin thực hiện công việc tự sơn lại nhà cách hiệu quả nhất giúp tiết kiệm chi phí nhất.
Mục Lục Bài Viết
Tự sơn lại nhà có lợi ích gì?
- Tiết kiệm chi phí: Đây chính là điểm lợi ích đầu tiên nếu bạn tự sơn lại nhà, giúp bạn tiết kiệm được khoản chi phí thuê nhân công sơn, thực tế bạn sẽ tiết kiệm được 1000đ – 30.000đ trên mỗi m2 tường nhà.
- Trải nghiệm thú vị: Cảm giác thú vị trong những trải nghiệm thực hiện một công việc hoàn toàn mới, điều này giúp tâm trí bạn được thư giãn, thoải mái hơn trong cuộc sống.
- Tự do sáng tạo: Tạo nên những bức tranh tường độc đáo theo sở thích và phong cách riêng của chính bạn.
- Tích lũy kinh nghiệm: Qua quá trình tự mình thực hiện công việc lăn sơn bạn sẽ dàn rút ra được kinh nghiệm, nâng cao kỹ năng sơn nhà cho những lần sơn sửa về sau.
Sơn lại nhà cũ là việc làm không quá khó khăn. Tuy nhiên, khi thực hiện sơn lại nhà bạn cần chuẩn bị đồ bảo hộ thật kỹ để bảo vệ chính bản thân mình khi thi công. Đồng thời, phải lựa chọn sơn nhà uy tín, chất lượng để đảm bảo dung dịch sơn an toàn, không chứa chất độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường.
Bước tự sơn nhà đơn giản và hiệu quả cho người không chuyên
Bước 1: Chuẩn bị dụng cụ và vật tư cần thiết
Vì bạn là người mới bắt đầu nên bạn cần chú ý đến bộ đồ nghề cần thiết để trở thành một thợ sơn nhà chuyên nghiệp, bao gồm:
- Giấy nhám, bàn chải sắt: chà bỏ sơn tường cũ
- Dao trét: Xử lý các vị trí bề mặt gồ ghề, nứt nẻ
- Băng keo: giúp che đi các vị trí như ổ điện, mép tường, cửa… để chúng không bị nhem sơn
- Cọ sơn, con lăn sơn: để thi công lăn sơn trực tiếp lên tường nhà
- Vải bạt, bìa catton, nilong: bảo vệ các đồ dùng nội thất, mặt sàn nhà để tránh bị dính sơn trong quá trình thi công
- Thang đứng, cán cây dài: hỗ trợ thi công trong những vị trí cao cần sơn
- Đồ dùng bảo hộ cho người thi công: găng tay, khẩu trang, kính bảo hộ, nón bảo hộ.
Và đừng quên những vật tư cần thiết để thi công: sơn lót, sơn phủ màu, sơn chống thấm (đối với tường nhà bị thấm nước), bột trét hoặc keo (đối với những bức tường lồi lõm, nứt nẻ).
Lưu ý: Khi chọn mua sơn nhà bạn cần tìm các nhà phân phối uy tín để được tư vấn cụ thể và lựa chọn loại sơn phù hợp với từng không gian cụ thể (trong nhà, ngoài trời, tường nhà tắm, tường dễ thấm nước…)
Bước 2: Che phủ đồ nội thất và khu vực không sơn
Quá trình thi công sơn nhà sẽ không tránh khỏi tình trạng sơn bị rơi rớt hoặc bắn quanh nhà. Vì vậy, trước khi triển khai công việc cần di chuyển các đồ dùng bên trong phòng sang một vị trí an toàn khác, hoặc sử dụng vải bạt để che chắn đồ dùng nội thất, tránh để nhem sơn lại tốn nhiều thời gian cọ rửa về sau.
Các vị trí ổ điện, mép cửa, viền gạch… nơi tiếp giáp với bức tường sơn cần dùng băng keo để dán lại chúng để tránh nhem sơn. Tương tự, với mặt sàn nhà cũng cần dung bạt hoặc bìa carton để che chắn, tránh mất thời gian dọn dẹp, vệ sinh về sau.
Bước 3: Kiểm tra và xử lý bề mặt tường
Bước làm này rất quan trọng, có ảnh hưởng trực tiếp đến độ bền, tính thẩm mỹ của lớp màng sơn về sau: Trong bước này, bạn cần thực hiện các bước cơ bản sau:
- Vệ sinh tường cũ: dùng bàn chà sắt, giấy nhám để cạo bỏ lớp sơn cũ và chà tường cho phẳng mịn, sau đó dùng chổi phủi sạch bụi bẩn trước khi tiến hành sơn.
- Loại bỏ rêu mốc (nếu có): Đối với tường bị mốc cần sử dụng các dung dịch tẩy rửa chuyên dụng để làm sạch.
- Vá tường: Đối với bề mặt tường bị nứt hay có lỗ thủng cần sử dụng keo chuyên dụng hoặc bột trét để vá lại tường, sau đó dùng giấy nhám để làm phẳng mịn mặt tường.
- Chống thấm: Sơn chống thấm trước nếu tường dễ bị thấm nước.
Đây là bước chuẩn bị bề mặt trước khi thi công. Bước này cần đảm bảo một bề mặt tường sạch, nhẵn, mịn và phẳng.
Bước 4: Sơn lót
Bước làm quan trọng, có ảnh hưởng trực tiếp đến tuổi thọ và chất lượng sơn sau hoàn thiện. Bởi sơn lót giúp:
- Tạo độ nhẵn mịn cho mặt tường trước khi sơn phủ => tăng thẩm mỹ lớp màng sơn
- Chống kiềm hóa, chống thấm giúp chất lượng sơn được bền đẹp
- Tăng độ bám dính của lớp màng sơn vào tường nhà, hạn chế tình trạng phồng rộp, bong tróc
- Giúp lớp sơn phủ được đồng đều, lên màu chuẩn hơn, thẩm mỹ hơn
Bước tiến hành: Mở lắp và khấy đều thùng sơn lót trước khi tiến hành sơn. Nhúng con lăn trực tiếp vào thùng sơn rồi lăn đều tay lên mặt tường nhà cần sơn lại. Chú ý lăn sơn đều tay từ trái sang phải, từ trên xuống dưới. Đối với các vị trí góc cạnh, khe nhỏ không phủ sơn bằng con lăn lớn được thì sử dụng con lăn loại mini hoặc cọ sơn để quét sơn.
Lưu ý: Đối với các bức tường nhà quá cũ, quá xấu, bị hư hỏng nhiều: ẩm mốc, mọc rêu, nứt nẻ… thì nên sơn lót lần 2 để bảo đảm độ bền của sơn. Thi công sơn lót lần 2 tương tự như lần 1 và chúng được thực hiện sau khi lớp sơn lót 1 đã khô hoàn toàn.
Bước 5: Sơn phủ màu lớp thứ nhất
Chỉ được tiến hành sơn phủ màu sau khi lớp sơn lót đã khô. Quy trình sơn tương tự như quá trình sơn lót:
- Khuấy đều dung dịch sơn trong thùng cho màu sơn được đồng đều (thường sử dụng máy khuấy)
- Nhúng con lăn sơn hoặc cọ sơn vào thùng sơn và gạt nhẹ chúng vào thành thùng để loại bỏ sơn thừa, tránh rơi rớt nhiều ra sàn nhà vừa gây bẩn vừa lãng phí.
- Tiến hành sơn đều tay từ trái sang phải, từ trên xuống dưới đều tay, tránh chồng chéo quá nhiều lần tại một điểm khiến lớp sơn dày mỏng khác nhau, màu sức không đồng đều.
Bước 6: Sơn phủ màu lớp thứ 2
Sau khi lớp sơn thứ nhất đã khô hoàn toàn thì tiến hành sơn phủ màu lớp thứ 2. Sơn phủ lần 2 để đảm bảo màu sắc tường lên đều và đẹp đúng như mong muốn của bạn. Đồng thời giúp đảm bảo độ bền đẹp lâu dài và hạn chế tác động của môi trường đến bức tường nhà.
Phương pháp tiến hành tương tự như quy trình sơn lót hay sơn phủ màu lớp đầu.
Bước 7: Dặm vá, vệ sinh công trình
Sau khi lớp sơn phủ lần 2 đã khô, bạn cần từ từ gỡ bỏ các băng dính dán ở các vị trí ổ điện, chân tường, cửa sổ…tránh làm bong tróc lớp sơn mới. Sau đó, kiểm tra lại toàn bộ bề mặt tường để phát hiện các vị trí nhem sơn, chưa lên màu chuẩn thì dùng cọ quét sơn để xử lý lại.
Vệ sinh dụng cụ và công trình:
- Đậy kín thùng sơn: Đậy nắp kín thùng sơn còn dư thừa để bảo quản cho lần sau sử dụng
- Thu dọn mặt bằng: chuyển toàn bộ thang giáo và các dụng cụ sơn, thiết bị sơn ra khỏi công trình, thu bạt ,giấy bìa catton… và làm sạch các vết sơn bị rơi rớt ra ngoài
- Vệ sinh dụng cụ sơn: Làm sạch con lăn, cọ sơn bằng nước hoặc xăng dầu, sau đó phơi khô chúng và cất bảo quản cho lần sau sử dụng.
- Loại bỏ mùi sơn mới: Mở thoáng các cửa, bật quạt, máy hút hoặc sử dụng các tính dầu tự nhiên để loại bỏ nhanh chóng mùi sơn mới.
- Kê lại đồ nội thất: Sau khi có một mặt bằng sạch sẽ, tường mới đẹp thì bạn chuyển lại các đồ dùng và sắp xếp lại chúng.
Tự sơn nhà rất đơn giản, bạn có thể tự mình làm được bằng 7 bước đơn giản trên đây. Hi vọng, với những nội dung chia sẻ trên đây sẽ giúp bạn tự tin cầm cọ và bắt đầu hành trình làm mới cho ngôi nhà của mình, giúp tiết kiệm tối đa chi phí sơn nhà.